Canh Ki Na
-
150.000 đ
-
Số lượng:
Tên khoa học: Canhkina đỏ (Cinchona succirubra Pavon), Canhkina vàng (C. calisayaWeddell), Canhkina xám (C. officinalis L.), họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả: Chi Cinchona L. gồm tới 40 loài. Chúng đều là những cây gỗ có lá mọc đối, có lá kèm, có hoa đều, trắng hay hồng, mẫu 5 và tập hợp thành cụm hoa hình xim. Tất cả các loài Cinchona đều có xuất xứ từ sườn đông của dãy núi Andes, ở phía này hay phía kia của xích đạo, thuộc các nước Colombia, Ecuador, Pêru, Bolivia ở độ cao từ 1000m tới 3000m, tức là ở những miền có mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình và tương đối ổn định. Những loài được nói đến là:
- Canhkian đỏ - Cinchona succirubra Pav. (C. pubescens Vahl) xuất xứ ở Ecuador là loài có thân lớn và thường được sử dụng làm gốc ghép.
- Canhkina vàng - Cinchona calisaya Weddell xuất xứ ở Bolivia và nam Pêru, được trồng nhiều ở Java.
- Canhkina xám - Cinchona officinalis L., xuất xứ từ phía bắc Colombia tới Pêru.
- Canhkina thon - Cinchona ledgeriana Moens có khi được xem như là một loài lai, có xuất xứ ở Bolivia và được trồng sớm nhất ở Inđônêxia. Loài này đã được tuyển chọn qua một thời gian dài và hiện được trồng ở nhiều nước châu Phi nhiệt đới cũng như nhiều đồn điền ở châu Mỹ.
Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ phơi, sấy khô của nhiều loài Canhkina như: Canhkina đỏ (Cinchona succirubra Pavon), Canhkina vàng (C. calisaya Weddell), Canhkina xám (C. officinalis L.), họ Cà phê (Rubiaceae).
Phân bố: Ở nước ta, Canhkina được đem trồng thí nghiệm từ những năm 1871 ở một số nơi nhưng không thành công. Cho đến sau Đại chiến thế giới thứ nhất, A Yersin thí nghiệm trồng ở cao nguyên Lang Bian (vùng Xuân Thọ hiện nay) và ở vùng Hòn Bà ở Khánh Hoà rồi di chuyển tới Di Linh, Đơn Dương thì thành công. Năm 1927 có trại nghiên cứu trồng Canhkina ở Thủ pháp, vùng chân núi Ba Vì. Cho đến trước Đại chiến thế giới thứ hai, có năm sản lượng Canhkina thu được lên đến 30 ngàn tấn. Do chiến tranh mà việc phát triển trồng Canhkina bị đình trệ và bị khai thác kiệt quệ. Cho đến năm 1978, chỉ còn lại một số nơi có Canhkina như Lâm Đồng (Xuân Thọ, Tà Nung ở Đà Lạt, Xuân Sơn ở Đơn Dương. Lán tranh ở Đức Trọng, Dinh trang thượng ở Di Linh), Đắc Lắc (Đắc Nông) và Gia Lai (Biển Hồ, Sa Thầy). Ở miền Bắc Việt Nam, tại tỉnh Hà Tây (vùng Thủ Pháp) cho đến năm 1958, chỉ còn sót lại vài chục cây, nhưng trong khoảng 1960-1970, ta đã khôi phục lại và tiếp tục nghiên cứu phát triển Canhkina, đưa diện tích tại đây lên tới 60 ha.
Hiện nay, ta đang nghiên cứu phát triển trồng Canhkina ở Lâm Đồng. Loài được trồng chủ yếu là Canhkina thon. Nhân giống bằng gieo hạt. Canhkina trồng sau 3-4 năm đã có thể cho vỏ, nhưng tốt nhất là sau 7-10 năm thì thu hoạch vỏ tốt nhất. Bóc vỏ vào mùa thu hay đầu xuân. Hàm lượng hoạt chất trong cây tuỳ thuộc vào loài trồng và chất đất ở các độ cao khác nhau. Khi chặt cây, cành để bóc vỏ, cần chừa lại gốc để cây tạo ra thân cành mới.
Tác dụng dược lý: Các hoạt chất trong Canhkina có tác dụng trị bệnh sốt rét, quan trọng nhất là quinin. Quinin là một chất độc đối với tế bào, có tác dụng đối với các loại đơn bào; nó tác dụng trên những dạng vô tính và ký sinh trùng; nó diệt giao tử hơi yếu đối với các dạng Plasmodium vivax và P. malariae. Còn có những tác dụng khác là ức chế trung tâm sinh nhiệt nên dùng làm thuốc giảm sốt; tác dụng chống nhiễm trùng, kích thích nhẹ lên hệ thần kinh, ức chế hoạt động của tim (cũng tương đương với quinidin nhưng yếu với liều diệt ký sinh trùng), tác dụng kích thích tử cung, tác dụng đối với thính giác, thị giác và tiêu hóa, tác dụng gây xơ cứng. Các alcaloid khác có tác dụng chữa sốt, sốt rét nhưng kém hơn và có tác dụng hợp đồng. Nói chung, Canhkina bổ, lợi tiêu hoá, hạ nhiệt, chống nhiễm trùng, chống ký sinh trùng, hàn liền sẹo.
Thành phần hoá học : Vỏ Canhkina giàu tanin catechic (3 tới 5%), khi oxy hoá sẽ thành phlobaphen màu đỏ của canhkina. Còn có ít tinh dầu, acid hữu cơ (acid quinic) và một heterosid triterpenic (quinovosid). Trong vỏ có nhiều alcaloid có thể đạt tới 15% trọng lượng của vỏ. Các alcaloid chính tạo thành 2 cặp đồng phân lập thể: một bên là quinin và quinidin, một bên là cinchonin va cinchonidin. Quinin và cinchonidin quay trái, còn quinidin và cinchonin quay phải. Quinin và quinidin sẽ biến đổi thành quinicin (hay quinotoxin). Các alcaloid chính này đều kèm theo những alcaloid có hàm lượng thấp. Trong vỏ của Canhkina đỏ, có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 3-8% và hàm lượng quinin trong đó chỉ chiếm ít hơn 50%; còn trong vỏ Canhkina thon, tỷ lệ alcaloid toàn phần tới 15% và hàm lượng quinin trong đó lên tới 80-90%.
Công dụng: Chiết quinin và các alcaloid khác làm thuốc điều trị sốt rét. Vỏ cây làm thuốc hạ sốt, thuốc bổ kích thích tiêu hóa, điều trị các vết thương, vết loét.
Cách dùng, liều lượng: Uống dạng bột, cao, siro, rượu bổ. Dạng bột: 4-12g. Cồn: 2 - 15g. Siro: 20 - 100ml mỗi ngày. Quinin chữa sốt rét 0,5g/lần, 1-1,5g/ngày.
Ghi chú: Cây Ô môi (Cassia fistula Lin. = Cassia grandis L. f.) được trồng ở nhiều nơi cũng được gọi là Canh ki na, cơm quả làm thuốc nhuận, tẩy, cần phân biệt tránh nhầm lẫn.
Sản phẩm khác