Cây mắc mật mọc chủ yếu ở chân những dãy núi đá vôi ở độ cao dưới 1000m, một số ít mọc trên sườn núi đá, lá và hạt mắc mật từ lâu đã được đồng bào dân tộc lấy làm gia vị, hương thơm ngào ngạt, vị béo ngậy, bùi bùi khiến cho nhiều người yêu thích.
Mắc mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, phân cành thấp, cành non có màu xanh nhạt, vỏ thân xám đen, có nhiều nốt sần, cây thích hợp sống ở nơi có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ lý tưởng là 20-23 độ C. Quả mắc mật hình cầu, căng mọng, khi chín thường có màu trắng nhờ đến trắng trong, bên trong có 1-2 hạt.
Hiếm có loại quả nào lại thơm đến thế, cầm chùm quả trên tay mà mùi thơm cứ thoang thoảng, nhón một quả đưa lên miệng cắn nhẹ, nước ngọt ứa ra từ lớp cùi trắng, đặc và trong như thạch rau câu, vị ngòn ngọt, chua chua khiến cho bạn phải xuýt xoa vì thích thú.
Hạt mắc mật khô có mùi thơm ngòn ngọt rất dễ chịu
Các bà các mẹ ngày chợ phiên ngày chợ phiên đều mua mấy chùm mắc mật mang về, phần cho trẻ nhỏ ăn chơi, phần để kho cá, kho thịt, ninh chân giò…cùng là những nguyên liệu ấy nhưng cho thêm vài quả mắc mật thì thơm ngon đến lạ lùng. Cá thì hết sạch mùi tanh, vừa bùi vừa ngon, thịt chắc, chân giò vừa thơm vừa béo nhưng lại không gây cho người ta cảm giác ngấy.
Hạt mắc mật ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn từ xưa đã nổi tiếng với vị ngọt thanh, hương thơm ngát dịu nhẹ không nơi nào sánh được, dần dần có nhiều yêu thích loại gia vị này, truyền tay nhau đến khắp mọi miền của đất nước, xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
Quả mắc mật vừa có thể ăn tươi vừa phơi khô để làm gia vị
Có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ hạt mắc mật, trong đó quả và lá mắc mật là nguyên liệu chính không thể thiếu khi làm vịt quay trứ danh đất Lạng Sơn. Người ta đem quả mắc mật đi xay nhuyễn, sau đó trộn cùng với nhiều loại gia vị khác sao cho vừa ăn, rồi nhồi tất cả vào bụng vịt, đợi cho ngấm đều thì mới dùng que xiên nướng trên than củi. Món này khi ăn có vị chua chua ngọt ngọt rất đặc trưng, mùi thơm của thịt nướng hòa với hương của lá mắc mật càng khiến cho thưc khách khó lòng mà cưỡng lại được.
Quả mắc mật tươi dùng để ngâm với măng và ớt. Từ món này có thể chế biến thành những món ăn mặn khác như nấu canh chua mắc mật, kho cá, nấu canh chân giò với mắc mật và măng chua. Măng ớt muối mắc mật ăn cực kỳ ngon khi kết hợp với các món như lẩu, bún, phở…vị chua của măng và mùi thơm của quả mắc mật sẽ kích thích vị giác, giúp chúng ta cảm thấy ngon miệng và ăn nhiều cũng không thấy ngán.
Đối với những món như cá đồng thì nhờ có mùi thơm của quả mắc mật, mùi tanh của cá sẽ được khử hoàn toàn. Mắc mật khô được ngâm trong nước ấm ở nhiệt độ khoảng 70-80 độ C, ngâm trong vòng 20 phút thì vớt ra rồi giã cho nhuyễn, dùng để ướp cá chung với các gia vị cơ bản là mắm muối, mì chính, hạt nêm, thêm vào đó là hành ớt băm nhỏ, đun với lửa nhỏ cho đến khi cạn nước, khi ăn cá vừa chắc lại đậm đà gia vị, dậy mùi thơm, ăn cùng cơm nóng thì ngon tuyệt, món ăn này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng, cả nhà ai cũng yêu thích.
Cây mắc mật là một loại cây quý, ngoài công dụng làm gia vị để chế biến, tẩm ướp món ăn thì lá cây mắc mật còn có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, tinh dầu trong quả mắc mật có tác dụng bảo vệ gan, làm giảm đau rất hiệu quả…Tuy nhiên, khi sử dụng các sản phẩm từ cây mắc mật với chức năng là một loại thuốc, thì nên tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ để đảm bảo việc sử dụng được an toàn, hiệu quả